Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau: Thách thức và giải pháp (09-02-2023)

Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là một trong 16 khu bảo tồn biển theo quy hoạch của Việt Nam. Đây là khu bảo tồn biển được đánh giá cao về đa dạng sinh học với các rạn san hô có độ bao phủ cao, nhiều loài đặc hữu. Việc bảo tồn và phát huy lợi thế tài nguyên trong thời gian qua đã và đang được tỉnh Bình Thuận chú trọng triển khai, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau: Thách thức và giải pháp
Hòn Cau là một trong 16 khu bảo tồn biển có ý nghĩa đặc biệt với môi trường biển Việt Nam. Ảnh: KBT

Tổng diện tích 12.500 ha

Việt Nam là một quốc gia ven biển với 3.260 km đường bờ biển và thềm lục địa rộng lớn ước tính khoảng 1 triệu km2 cùng với hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ. Tài nguyên biển Việt Nam có tầm quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước. Tuy nhiên trước áp lực gia tăng dân số, phát triển kinh tế cùng với quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, môi trường biển Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, phá hoại sinh cảnh, khai thác quá mức, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan, môi trường sinh thái biển và cuộc sống của người dân ven biển.

Trong bối cảnh đó, việc thành lập các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên như nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là 1 trong 16 khu bảo tồn biển theo quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 25/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thành lập năm 2010.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập theo Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 với tổng diện tích là 12.500 ha (trong đó diện tích biển là 12.360 ha). Được chia thành 4 phân vùng chức năng: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: 1.250; Vùng đệm: 1210; Vùng phục hồi sinh thái: 808 ha; Vùng phát triển: 9.232 ha.

Đây là khu bảo tồn biển được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện ở sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống kích thước lớn, thú, chim, bò sát. Rạn san hô và thảm cỏ biển phân bố xung quanh đảo là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loại thủy sinh vật quý hiếm, trong đó có rùa biển - loài động vật quý hiêm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau còn có trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Hòn Cau là vùng biển có các rạn san hô nguyên thủy dài hơn 2 km còn giữ được độ bao phủ cao với trên 230 loài, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển này. Sự đa dạng và phong phú tài nguyên sinh vật biển cùng cảnh quan độc đáo của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nguồn thực phẩm dồi dào nuôi sống nhiều thế hệ cư dân địa phương cũng như là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế trong khu vực.

Còn nhiều khó khăn trong quản lý

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã triển khai nghiêm túc công tác quản lý bảo tồn biển theo quy định của pháp luật. Theo đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Tình trạng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển còn xảy ra, chưa chấm dứt triệt để, nhất là hành vi tàu cá neo đậu trái phép trong khu bảo tồn biển; việc triển khai “Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau”, Đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận” còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn biển chưa được triển khai thường xuyên vào những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (năm 2021); hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển chưa được thực hiện thường xuyên. Hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ mới tập trung vào công tác bảo vệ và giữ gìn hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực và bảo vệ môi trường; chưa thực hiện công tác trồng mới/thả rạn nhân tạo hay khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh các loài thủy sản quý hiếm, các hệ sinh thái biển.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau cho hay, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này là do, hiện nay theo quy định pháp luật, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển chỉ thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở đối với những trường hợp vi phạm, (không được phép trực tiếp xử lý vi phạm) hoặc lập biên bản để chuyển cơ quan chức năng xử lý, do vậy, trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ các khu vực chức năng (vùng lõi, vùng đệm) trong khu bảo tồn trước các hoạt động khai thác trái phép, đội tuần tra, kiểm soát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, việc này làm cho công tác quản lý khu bảo tồn biển đôi lúc chưa chủ động và chưa đạt hiệu quả cao nhất.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp (năm 2021) nên một số hoạt động chuyên môn của đơn vị bị ảnh hưởng. Đặc biệt là công tác tập huấn, tuyên truyền chưa thực hiện được nên không đúng theo kế hoạch đã đặt ra.

Nguồn lực đầu tư cho khu bảo tồn biển khi thực hiện kế hoạch quản lý còn hạn chế, kinh phí hoạt động, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn, chương trình phục hồi hệ sinh thái biển chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cho các hoạt động bảo tồn biển vẫn chưa thực hiện, trong khi việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ trước đến nay luôn là ngư trường truyền thống của một bộ phận ngư dân trong và ngoài tỉnh (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên..) nên hoạt động khai thác thủy sản diễn biến phức tạp, tàu thuyền neo đậu không đúng nơi quy định, gây khó khăn trong công tác tuần tra, bảo vệ khu bảo tồn biển. Ngư trường, nguồn lợi ngày càng suy giảm, gây áp lực lớn lên công tác bảo tồn, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác trái phép trong khu bảo tồn biển.

Giải pháp tháo gỡ

Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được thành lập hơn 10 năm, dựa trên một nền tảng vững chắc, có sự tham gia hỗ trợ của các bên trong quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học nói chung cũng như bảo tồn loài rùa biển nói riêng. Quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại đây hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khiến hoạt động bảo tồn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã đề xuất một số giải pháp như: Bố trí cho Khu bảo tồn biển Hòn Cau một biên chế kiểm ngư để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau được chủ động, kịp thời và hiệu quả là thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, cần có những quy định về công cụ hỗ trợ đối viên chức, người lao động của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển nhằm đảm bảo an toàn khi thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển; tăng cường các hoạt động tuyên truyền; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn biển cho cán bộ, viên chức của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng và các khu bảo tồn biển trên cả nước nói chung nhằm đáp ứng và phục vụ tốt hơn công tác quản lý khu bảo tồn biển; các cơ quan chức năng cần quan tâm, hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau trong việc thực hiện triển khai các bước của Đề án thu phí. Việc thực hiện thu phí tham quan của du khách là nhằm tạo nguồn kinh phí cho công tác hoạt động, quản lý khu bảo tồn biển của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bên cạnh đó, cũng cần có những hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm có thêm nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn biển.

Ngoài ra, các cơ quan Trung ương sớm ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và các hạng mục hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị của các khu bảo tồn biển; chính sách hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho các ngư dân sống xung quanh khu bảo tồn biển mà hoạt động sinh kế chủ yếu dựa vào khai thác, nuôi trồng thủy sản; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để tận dụng các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý của khu bảo tồn biển…

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác